Lượng thép tồn kho vẫn ở mức cao đang tiếp tục tạo nên gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp (DN) trong ngành. Để giành giật thị phần, nhiều DN thép đã giảm mạnh giá bán xuống mức dưới giá thành nhằm đẩy mạnh tiêu thụ. Tuy nhiên, tình trạng này lại đang khiến cho thị trường thép cạnh tranh không lành mạnh và đẩy các DN lấn sâu vào nguy cơ thua lỗ kéo dài.
Trong năm nay sẽ có thêm 5 nhà máy thép đi vào hoạt động, với công suất 1,5 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất thép xây dựng cả nước lên 11 triệu tấn/năm. Tổng sản lượng tiêu thụ thép quý I-2013 đạt 910.000 tấn, tăng 30.000 tấn so với cùng kỳ. Lượng thép tồn kho hiện khoảng 330.000 tấn, tăng 50.000 tấn. Thực tế này đã báo động cung vượt xa cầu.
Theo Bộ Công thương, tình hình tiêu thụ thép trong cuối tháng 2 vừa qua tốt hơn so với dự kiến do tác động của một số chương trình khuyến mãi, kích cầu của nhà sản xuất. Tuy nhiên, nhìn chung doanh nghiệp vẫn sản xuất cầm chừng nhằm giải phóng hàng tồn kho. Trong tháng 2, sản lượng sắt, thép thô đạt 167.000 tấn, chỉ bằng 64,7% so với tháng 2-2012; thép cán đạt 158.100 tấn, tăng 2,8%; thép thanh, thép góc đạt 198.400 tấn, bằng 86,6%.
Trong khi lượng thép sản xuất trong nước còn đang tồn kho lên tới hơn 300 nghìn tấn, thì nhiều doanh nghiệp vẫn ồ ạt nhập khẩu thép. Dẫu biết rằng, việc nhập các loại thép mà trong nước chưa sản xuất được là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc nhập khẩu các loại thép trong nước đang dư thừa, đặc biệt là thép giá rẻ đang gây nhiều tác động đến sản xuất thép trong nước.