Tin tức

Chiêu 'thập diện mai phục' lừa tiền của công ty 'ma'
09:24, 03/05/2013 , Post by Linh
Thành lập "công ty ma" rồi cho đăng tải các mẩu quảng cáo đầy thuyết phục, “chuyên cung cấp sản phẩm, dịch vụ với giá rẻ” cho khách hàng, song khi khách hàng điện thoại tới đặt hàng, chúng sử dụng các thủ đoạn để lừa đảo.

Giăng bẫy

Trong nét mặt buồn bã, anh Đ.H.N. (SN 1978, quê ở An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, ngụ TP.HCM) tỏ ra bức xúc vì bị các đối tượng lừa đảo lấy đi một tài sản không nhỏ mà hai vợ chồng chắt bóp, vay mượn mới có được.

Anh N. cho biết: "Vợ chồng tôi vì muốn sửa sang lại căn nhà cũ (ở ấp Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM) nên tôi đã lên mạng tìm địa chỉ vật liệu sắt xây dựng. Sau một hồi lướt qua nhiều địa chỉ các đại lí phân phối sắt đăng tải trên trang mạng vatgia.com.

Tôi nhìn thấy một mẩu rao bán vặt của nhà phân phối (NPP) sắt thép mang tên công ty Khang Phát (chuyên kinh doanh sỉ và lẻ các loại sắt thép xây dựng từ Ø 6 đến Ø 32). Tại mẩu rao vặt, NPP này để địa chỉ ở 230 Lê Thị Riêng (thuộc địa bàn phường 15, quận 12, TP.HCM).

Hoá đơn bán lẻ mà "công ty ma" Khang Phát viết cho anh N. - Ảnh Thơ Trịnh.

Sau một hồi xem xét giá cả giới thiệu của NPP Khang Phát trong một cái khung bên dưới lời quảng cáo, tôi dừng lại ở trang mạng này vì thấy giá cả phải chăng và hợp với túi tiền mà gia đình có thể lo liệu được. Vì kế hoạch sửa nhà đã hoàn tất chỉ chờ vật liệu nên tối ngày 21/3, tôi gọi cho một người tên Sơn (số điện thoại 0908.376.295).

Do cần vật liệu sớm, tôi đặt mua của Sơn số lượng sắt gồm: 100 cây Ø 16 (với giá là 259.000 đồng/cây), 40 cây Ø 10 (với giá 90.000 đồng/cây) và 800kg sắt Ø 8 (với giá 11.400 đồng/kg). Khi đặt xong số lượng, tôi nói với Sơn là hiện tôi đang cần gấp, nên công ty giao hàng cho tôi vào ngày mai. Sơn đồng ý và nói có gì thì sáng mai tôi phải gọi để Sơn chắc chắn cho người chuẩn bị vật liệu giao hàng".

Theo anh N., đúng như đã hẹn, sáng ngày 22/3, anh N. gọi đến công ty cũng với số điện thoại cũ thì Sơn báo tổng giá trị vật liệu sắt mà anh đã đặt là 38.591.000 đồng. Sau khi báo giá xong, Sơn hẹn anh N. vào lúc 13h cùng ngày, đến địa chỉ 230 Lê Thị Riêng (phường 15, quận 12) để nhận sắt. Bên cạnh đó, Sơn cũng cho biết, khi đến nhận hàng, anh N. chỉ việc mang theo tiền giao đầy đủ rồi công ty sẽ giao hàng tận nhà mà không hề tốn chi phí vận chuyển.

Anh N. cho hay: "Kế hoạch vẫn thuận lợi cho đến 12h30 cùng ngày, tôi có việc đột xuất phải giải quyết chuyện gia đình nên không đến lấy sắt được. Vì thế, tôi nhanh chóng gọi cho một người em kết nghĩa là P.X.P. (SN 1983, ngụ tại xã Tân Nhật, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đến lấy thay. Vì quá gấp nên P. đồng ý và xin nghỉ việc ở công ty để đến nhận sắt giùm anh. Trên đường đi, tôi cho P. số điện thoại của Sơn để lỡ có trục trặc gì thì liên lạc. Đồng thời, tôi cũng cho Sơn số của P.".

Mất tích sau khi nhận tiền

Ngồi bên cạnh người anh kết nghĩa của mình, anh P. kể lại sự việc với giọng buồn rười rượi: "Khoảng 13h40, tôi chạy đến ngã tư Tân Thới Hiệp thì Sơn chạy xe máy ra đón và dẫn vào cổng Công ty thực phẩm Thiên Hương trong một con hẻm gần đó. Khi tôi đến đây đã thấy có một chiếc xe tải màu xanh, khoảng 1,5 tấn đã đậu sẵn. Cùng đi với Sơn, lúc đó còn có năm đến sáu người khác. Sơn nói với tôi: "Đường vào công ty Khang Phát bị cấm xe tải nên phải đưa sắt ra đây để cân".

Thấy tôi có vẻ ngần ngại, Sơn nói: "Anh yên tâm, anh N. (là anh kết nghĩa của tôi) đã đến công ty xem sắt trước rồi. Nói chưa dứt lời, Sơn lấy chiếc cân ra và nói đây là sắt của Việt - Nhật nên chất lượng rất đảm bảo".

Theo anh P., sau khi Sơn cho anh đếm và cân đủ lượng sắt mà anh N. đã đặt trước, Sơn bảo anh P. giao tổng số tiền là 38.591.000 đồng rồi viết cho anh một cái hoá đơn bán lẻ. Thủ tục xong xuôi, Sơn nói với anh P. là cho địa chỉ chính xác để mọi người giao hàng tận nơi. Rất tin tưởng, anh P. đọc ngay cho Sơn địa chỉ của nhà anh N.

Nạn nhân Đ.H.N kể lại quá trình bị "công ty ma" lừa đảo - Ảnh Thơ Trịnh.

Nói xong, anh P. lên xe máy chạy về mà không một chút nghi vấn.  Không chỉ vậy, Sơn còn kêu với anh P. là cứ yên tâm đi, công ty sẽ mang sắt tới liền. Tuy nhiên, anh P. không hề hay biết đó là âm mưu lừa đảo đã được kên kế hoạch rất kỹ càng.

Với giọng đầy bức xúc, anh N. cho biết: "Đến 14h30 chiều hôm đó, tôi gọi điện cho P. hỏi xem đã nhận sắt xong chưa. P. nói nhận hàng xong rồi, giờ chạy về chờ công ty giao hàng tới. Không dừng lại ở đó, tôi hỏi P. là bọn chúng đã giao hàng ở đâu và công ty đó có lớn không.

Khi P. nói chúng giao sắt ở... ngoài đường thì tới mới té ngửa ra là mình bị lừa. Tôi vội liên lạc với Sơn thì lúc này người này đã tắt máy. Tôi bảo P. chạy quay lại xem chiếc xe tải còn ở đó không. Cùng lúc, tôi gọi đến 1080 để kiểm tra thì tổng đài trả lời là địa chỉ NPP Khang Phát như trên là không có đăng kí trong hệ thống danh bạ".

Khi chúng tôi hỏi nhiều người dân sống ở trên đường Lê Thị Riêng thì đều nhận được một câu trả lời là chưa hề nghe tên công ty Khang Phát trên đường này bao giờ. Vì bị mất số tiền quá lớn nên tôi đã chạy ngay đến Công an phường Tân Thới Hiệp và Công an quận 12 để trình báo sự việc".

Để tìm hiểu thực tế, phóng viên đã lên mạng tìm hiểu về hình thức hoạt động của công ty này, song, lúc này tên công ty Khang Phát đã bị xoá mà thay vào đó là hàng loạt địa chỉ NPP sắt mới mang tên như công ty Hải Châu, công ty Toàn Thắng,...

Nạn nhân N. cho biết, anh đã gọi điện đến công ty Toàn Thắng (địa chỉ trên mạng là 25/3A, quốc lộ 1A, phường An Phú Đông, quận 12) thì một người tên Thắng (chủ nhân của số điện thoại 0949.081.315) nói đang bận đi công tác ở Tây Ninh.

Tuy nhiên, khi anh N. đặt mua số lượng sắt giống như lần trước thì Thắng cho một đàn em của mình tên Lộc (chủ nhân của số ĐT: 0903.494.508) gọi lại cho anh N. để trực tiếp trao đổi. Lộc giới thiệu là đại diện chi nhánh công ty sắt thép Hải Châu (địa chỉ 166/8, phường Tân Thới Hiệp, quận 12).

"Sau một hồi nói chuyện, hỏi han Lộc, tôi nhận ra được đó chính là giọng của Sơn lần trước. Tôi tiếp tục kiểm tra địa chỉ của các công ty này thì biết đây toàn bộ là địa chỉ "ma", anh N. rất bất bình nói.

PV đã thử kiểm tra giá cả trên thị trường và giật mình với trò "làm giá" của các công ty ma, khi đánh vào yếu điểm ham rẻ của người tiêu dùng. Ví dụ: Một cây sắt Ø 20 các công ty này chỉ để có 410.000 đồng/cây trong khi trên thị trường là 457.000 đồng/cây; sắt Ø 16 giá 259.000 đồng/cây trong khi giá trên thị trường là 272.000 đồng/cây,...

Song, để vạch trần "bộ mặt thật" của các "công ty ma" quả là không đơn giản. Nếu không ngăn chặn, sẽ còn có nhiều nạn nhân phải mất tiền oan, trong khi các công ty ma lại vẫn "biến mất" và lại ngang nhiên "tái xuất" gây bất bình cho dư luận.

Nguồn tin:Người đưa tin 

Top

Sản phẩm đã xem